02:43 23-08-2022

Ngành thủy sản – chờ ngày tươi sáng trong nửa cuối năm 2023!

Biên lợi nhuận thu hẹp

Thủy sản là một trong những ngành có sự sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua do sức cầu tiêu thụ lao dốc ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU. Cụ thể, trong tháng 6-2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 800 triệu đô la Mỹ (giảm 21% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu đô la Mỹ (giảm 18%) và 156 triệu đô la Mỹ (giảm 26%).

Lũy kế sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 1,6 tỉ đô la (giảm 31%) và 885 triệu đô la (giảm 38%). Hiện vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc do tình trạng lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm.

Về nguyên liệu đầu vào, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, giá tôm và giá cá nguyên liệu (chiếm 20% giá vốn hàng bán) có xu hướng giảm, tương ứng giảm 9% và 4% so với cùng kỳ trong khi giá thức ăn thủy sản vẫn ở mức cao.

Giá thức ăn thủy sản bình quân đạt đỉnh vào tháng 5-2023 tại mức 14.900 đồng/ki lô gam và các công ty thức ăn chăn nuôi chỉ bắt đầu giảm giá thức ăn thủy sản từ tháng 6-2023 (giảm khoảng 300 đồng/ki lô gam). Như vậy, giá thức ăn thủy sản vẫn tăng hơn 8% trong sáu tháng đầu năm 2023.

Do giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% giá vốn hàng bán trong khi giá bán bình quân đầu ra của ngành giảm nên hầu hết các công ty thủy sản đều chịu tình trạng tỷ suất lợi nhuận thu hẹp. Mặc dù vậy, lợi nhuận của ngành có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi quí 2-2022 ghi nhận mức nền lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm.

Ngành thủy sản – chờ ngày tươi sáng trong nửa cuối năm 2023!

Triển vọng dần tươi sáng

Dù gặp nhiều khó khăn trong hơn một năm qua nhưng những tín hiệu khởi sắc đang dần xuất hiện. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần nhằm phục vụ cho các kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ cuối năm.

Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỉ đô la. Nhằm chung tay gỡ khó cho các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc và Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng bị thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm – khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để đảm bảo nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

Lợi nhuận của ngành có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt khi quí 2-2022 ghi nhận mức nền lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm.

Cũng theo SSI, trong nửa cuối năm 2022, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Trung Quốc có mức giảm lần lượt là 31% và 22%, trong khi giá bán bình quân sang hai thị trường này giảm lần lượt 9% và 3%.

Trong khi sản lượng tiêu thụ đã giảm đáng kể từ quí 3-2022 thì giá bán bình quân chỉ bắt đầu giảm kể từ quí 4-2022 (giá bán bình quân đạt đỉnh trong tháng 7-2022). Các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm: (i) giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); (ii) chi phí vận chuyển giảm.

Kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ như VHC sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang trong quí 3-2023 và đạt tăng trưởng lợi nhuận dương từ quí 4-2023. Đồng thời, ANV cũng được hưởng lợi khi được miễn thuế chống bán phá giá của Mỹ trong năm nay.

Đối với VHC, đơn đặt hàng trong quí 3-2023 đang dần cải thiện so với quí 2-2023 xét về sản lượng tiêu thụ. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHC có thể lần lượt đạt 11.000 tỉ đồng (giảm 17%) và 1.300 tỉ đồng (giảm 34%) trong năm 2023. Trong năm 2024, kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHC sẽ lần lượt đạt 12.400 tỉ đồng (tăng 12,4%) và 1.500 tỉ đồng (tăng 14%).

Ngành thủy sản – chờ ngày tươi sáng trong nửa cuối năm 2023!

Đối với ANV, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt là 4.900 tỉ đồng (tăng 1%) và 465 tỉ đồng (giảm 31%). Còn trong năm 2024, các con số trên có thể lần lượt đạt 5.300 tỉ đồng (tăng 8%) và 611 tỉ đồng (tăng 32%), do xuất khẩu nhiều khả năng sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quí 4-2023 hoặc đầu năm 2024.

Đối với FMC, SSI ước tính doanh thu thuần của công ty này đạt 2.100 tỉ đồng (giảm 25%) trong sáu tháng đầu năm 2023. Trong tháng 6-2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của FMC tăng mạnh trở lại với mức doanh thu đạt 442 tỉ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ nhưng tăng 71% so với tháng trước), gần với mức đỉnh xuất khẩu trong năm 2022. Do vậy, doanh thu của FMC được kỳ vọng sẽ chạm đáy trong quí 2-2023 về giá trị tuyệt đối và sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đang có dấu hiệu cải thiện khi đạt 68 triệu đô la (giảm 31% so với cùng kỳ nhưng tăng 24% so với tháng trước đó) trong tháng 5-2023. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp ngành xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng theo tháng. Theo VASEP, giá tôm nhiều khả năng đã chạm đáy và ngành xuất khẩu tôm sang Mỹ có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 khi mùa cao điểm xuất khẩu là vào cuối quí 3-2023.

Trong năm 2023, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ FMC lần lượt đạt 5.700 tỉ đồng (tăng 0,2%) và 330 tỉ đồng (tăng 7%). Với giá bán bình quân cao hơn, thị trường Nhật Bản sẽ giúp FMC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2023.

--------------------------------------------------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN TÔM GIỐNG SỐ 1 - Nhà sản xuất tôm sú giống gia hóa hàng đầu Việt Nam

Trụ sở chính: 343/68 Phan Xích Long, Phường 1, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Hotline: 0938 225529

Chia sẻ bài:


0938 225529
Chat Messenger
Chat trên Zalo